Tài liệu ôn Học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 8 - Cách làm bài phân tích bài thơ

docx 7 trang xuanthu 22/08/2022 6040
Bạn đang xem tài liệu "Tài liệu ôn Học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 8 - Cách làm bài phân tích bài thơ", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

File đính kèm:

  • docxtai_lieu_on_hoc_sinh_gioi_ngu_van_lop_8_cach_lam_bai_phan_ti.docx

Nội dung text: Tài liệu ôn Học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 8 - Cách làm bài phân tích bài thơ

  1. CÁCH LÀM BÀI PHÂN TÍCH BÀI THƠ DÀN BÀI CHUNG I. Mở bài: - Giới thiệu tác giả, tác phẩm - Khái quát nội dung và nghệ thuật của tác phẩm (ghi nhớ) - Chuyển ý II. Thân bài 1. Khổ 1 - Dẫn đoạn: Mở đầu bài thơ, nội dung khái quát của khổ thơ - Chép khổ thơ - Phân tích: + Nghệ thuật + Nội dung 2. Khổ 2 - Dẫn đoạn: Nội dung khái quát của khổ thơ - Chép thơ - Phân tích + Nghệ thuật + Nội dung III. Kết bài - Đánh giá chung về bài thơ - Nêu cảm nghĩ CÁCH LÀM BÀI VĂN PHÂN TÍCH VỀ TÁC PHẨM TRUYỆN DÀN BÀI CHUNG I. Mở bài: - Giới thiệu tác giả, tác phẩm - Khái quát nội dung và nghệ thuật (Ghi nhớ) - Giới thiệu nhân vật - Nêu cảm nhận chung (chuyển ý) II. Thân bài 1. Tóm tắt vài nét về nội dung tác phẩm 2. Phân tích nội dung tác phẩm ❖ Nhân vật * Nêu đặc điểm thứ nhất của nhân vật ( Trước hết, đầu tiên) * Nêu đặc điểm thứ hai của nhân vật ( Bên cạnh đó, ngoài ra, không những thế) 3. Phân tích nghệ thuật - Nghệ thuật xây dựng nhân vật - Tình huống truyện (cốt truyện) - Cách lựa chọn chi tiết - Ngôn ngữ - Nhan đề độc đáo III. Kết bài: - Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, giá trị của nhân vật - Liên hệ bản thân
  2. Đề 1: Phân tích bài thơ “ Quê hương” của Tế Hanh I. Mở bài: - Tình yêu quê hương đất nước luôn là cảm xúc thiêng liêng, cao quý trong tâm hồn của mỗi con người. Chắc hẳn, chúng ta ai cũng có một miền quê yêu dấu để nhớ, để thương. Đối với Tế Hanh, quê hương miền biển chính là nguồn cảm hứng dạt dào, là nàng thơ trong các sáng tác của ông. Ta có thể bắt gặp trong thơ Tế Hanh hơi thở nồng nàn của những người dân làng chài, hay một dòng sông quê đầy nắng trong những buổi trưa hè gắn với tình yêu quê hương trong sáng, tha thiết của nhà thơ. - Bài thơ “Quê hương” là tác phẩm mở đầu cho nguồn cảm hứng về quê hương trong thơ Tế Hanh. - Với những vần thơ bình dị mà gợi cảm, bài thơ “ Quê hương” đã vẽ ra một bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê miền biển và thể hiện tình yêu đằm thắm, sâu nặng với quê hương của nhà thơ. II. Thân bài: 1. Khổ 1: giới thiệu làng quê - Mở đầu bài thơ là lời giới thiệu tự nhiên, giản dị của nhà thơ về quê hương miền biển của mình với biết bao yêu thương gói gọn trong từng vần thơ: Làng tôi ở vốn làm nghể chài lưới Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông - Quê hương trong tâm tưởng của Tế Hanh là một làng chài nằm ven biển, với sóng nước bao quanh và người dân nơi đây sống bằng nghề đánh cá. Chỉ với hai câu thơ thôi, Tế Hanh đã giúp người đọc hình dung một cách đầy đủ về làng quê vùng biển của mình với những cảm nhận rất riêng không giống như làng quê Bắc bộ với giếng nước, cây đa, sân đình. Điều ấy chứng tỏ nhà thơ đã thổi vào trong câu chữ cái hồn biển, cái tình quê tha thiết để làng quê ấy hiện ra thật duyên dáng nên thơ, phảng phất một cơn gió biển làm sóng nước bồng bênh. Thật tài tình biết bao! 2. Khổ 2: Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi Bức tranh thiên nhiên và hình ảnh chiếc thuyền ra khơi - Trong niềm thương nhớ quê chơi vơi ấy, tác giả đã vẽ lên trước mắt chúng ta một khung cảnh làng quê vô cùng sinh động trong ngày mới với những con người hăng hái bơi thuyền ra khơi: Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá - Đó là những câu thơ đẹp, mở ra một bức tranh thiên nhiên tươi sáng với bầu trời cao rộng, trong trẻo, gió nhẹ, rực rỡ nắng hồng bình minh đang đến báo hiệu một ngày mới bắt đầu với bao nhiêu hy vọng về một chuyến đi biển đầy hứa hẹn. Trên nền cảnh ấy, nổi bật lên hình ảnh đoàn thuyền băng mình ra khơi: Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang - Hình ảnh so sánh đặc sắc: chiếc thuyền ra khơi được tác giả ví như con tuấn mã khỏe mạnh và phi nhanh về đích kết hợp với các động từ mạnh như “hăng, phăng, vượt” đã diễn tả thật ấn tượng khí thế băng tới dũng mãnh của con thuyền ra khơi, làm toát lên một sức sống mạnh mẽ, một vẻ đẹp hùng tráng đầy hấp dẫn. => Bốn câu thơ trên vừa là phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, vừa là bức tranh lao động đầy hứng khởi và dạt dào sức sống. Hình ảnh cánh buồm
  3. - Hai câu tiếp theo, tác giả miêu tả cánh buồm căng rất đẹp, một vẻ đẹp lãng mạn với sự so sánh độc đáo bất ngờ: Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng Rướn thân trắng bao la thâu góp gió - Tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh rất độc đáo giữa cánh buồm trắng là cái cụ thể với mảnh hồn làng là cái trừu tượng. Nhà thơ đã lấy hình ảnh cánh buồm quen thuộc đối với người dân miền biển lạ hóa, lãng mạn hóa khiến cánh buồm trở nên rất thiêng liêng và thơ mộng như một mảnh hồn làng và là biểu tượng của linh hồn làng chài. Tế Hanh vừa vẽ ra chính xác cái hình, vừa cảm nhận được cái hồn của sự vật. Sụ so sánh ở đây không làm cho việc miêu tả cụ thể hơn nhưng đã gợi ra một vẻ đẹp bay bổng, mang ý nghĩa lớn lao. Đó chính là sự tinh tế của nhà thơ. - Không chỉ sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh mà nhà thơ còn dùng biện pháp nhân hóa “cánh buồm” như một thực thể hữu hình “rướn thân trắng” để “thâu góp gió” vào mình. Cánh buồm trở nên thật mạnh mẽ và kiêu hãnh khi đem cả hồn quê với bao nhiêu hy vọng của người dân chài theo từng hải lí. - Dấu chấm lửng ở cuối đoạn thơ tạo cho ta ấn tượng của một không gian mở ra đến vô cùng, vô tận. 3. Khổ 3: Cảnh đoàn thuyền đánh cá về bến - Khổ thơ thứ ba là cảnh dân làng chài đón thuyền cá trở về: Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ Khắp dân làng tấp nập đón ghe về. “Nhờ ơn trời biển lặng, cá đầy ghe”, Những con cá tươi ngon thân bạc trắng. - Những tính từ “ồn ào”, “tấp nập” được sử dụng trong đoạn thơ làm toát lên không khí lao động đông vui, hối hả đầy sôi động của cảnh dân làng đón ghe cá trở về. Người đọc như được sống trong không khí ấy, được nghe lời cảm tạ chân thành đất trời đã sóng yên “biển lặng” để người dân chài trở về an toàn với “cá đầy ghe”, được nhìn thấy “ những con cá tươi ngon thân bạc trắng”. Tác giả không miêu tả công việc đánh bắt cá của những người ngư dân nhưng ta có thể tưởng tượng đó là những giờ phút lao động không ngừng nghỉ để mang về thật nhiều tôm cá. Sau chuyến ra khơi ấy, những người dân làng chài trở về bến nghỉ ngơi mang theo cả hương vị của biển khơi: Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng Cả thân hình nồng thở vị xa xăm - Có thể nói, đây chính là những câu thơ hay nhất, tinh tế nhất của cả bài thơ. Bằng bút pháp tả thực, tác giả đã miêu tả hình ảnh người dân làng chài rất chân thực với làn da rám nắng vì phải vật lộn với nắng gió của biển khơi. Hơn thế, công việc chài lưới vất vả khiến cho thân hình của họ trở nên vạm vỡ và “nồng thở vị xa xăm”. Vị mặn của biển, vị mặn của mồ hôi, vị tanh của cá hòa quyện vào nhau đã thấm vào làn da, thớ thịt, tâm hồn và trở thành mùi vị đặc trưng của người dân làng chài. Hai từ “nồng thở” thật gợi cảm biết bao, đã làm nổi bật nhịp sống lao động hăng say, dũng cảm của người dân làng chài với biển cả. Hình ảnh người dân chài được miêu tả vừa chân thực, vừa lãng mạn và trở nên có tầm vóc phi thường. - Không chỉ có người dân làng chài trở về nghỉ ngơi trên bến mà chiếc thuyền cũng trở về nằm im trên bến sau khi vật lộn với sóng gió biển khơi: Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
  4. Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ - Con thuyền lúc ra đi hăng hái, mạnh mẽ biết bao nhiêu thì khi trở vế lại thanh thản, thư thái bấy nhiêu. Tế Hanh không chỉ miêu tả con thuyền nằm im trên bến mà còn thấy sự mệt mỏi của con thuyền. Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa “chiếm thuyền im”, “mỏi”, “nằm” làm cho con thuyền vô tri trở nên có hồn, một tâm hồn tinh tế. - Nó giống như một người ngư dân trở về nghỉ ngơi sau bao nhiêu ngày vất vả vật lộn với sóng nước nhưng nó hài lòng vì đã mang nhiều cá bạc về theo sau những ngày lao động miệt mài. Không chỉ thế, nhà thơ còn sử dụng biện pháp nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “nghe”con thuyền ấy như biết lắng nghe, cảm nhận chất muối thấm dần trong thớ vỏ. => Tế Hanh phải là một người tài hoa, có tâm hồn nhạy cảm và sự gắn bó sâu nặng với con người cùng cuộc sống lao động của quê hương miền biển thì mới có thể viết lên những câu thơ hay và xuất thần như vậy. 4. Khổ cuối: Tình cảm của tác giả - Ở khổ thơ cuối, nhà thơ trực tiếp nói về nỗi nhớ làng quê khôn nguôi của mình. Nỗi nhớ chân thành, tha thiết nên lời thơ thật giản dị, tự nhiên như thốt ra từ sâu thẳm trái tim: Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi, Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá! - Khi xa quê, hình bóng quê hương luôn in sâu trong từng suy nghĩ, từng dòng cảm xúc của nhà thơ. Quê hương là màu nước xanh, là màu cá bạc, là cánh buồm vôi. Đó chính là màu của quê hương, những màu tươi sáng và gần gũi nhất. Nhưng có lẽ, Tế Hanh nhớ nhất là “cái mùi nồng mặn” đặc trưng của quê hương. Với nhà thơ, cái hương vị lao động làng chài đó chính là hương vị riêng đầy quyến rũ của quê hương. Chất thơ của Tế Hanh bình dị như chính con người ông, bình dị như chính người dân quê ông. Vì vậy, hình ảnh quê hương trong thơ Tế Hanh thật tươi sáng, khỏe khoắn., mang hơi thở nồng ấm của sự sống khác hẳn với những giọng thơ buồn bã, hiu hắt như trong nhiều bài thơ mới cùng đề tài. III. Kết bài: - Bài thơ với âm điệu khỏe khoắn, hình ảnh sinh động, ngôn ngữ giàu sức gợi đã tạo cho người đọc cảm giác khó phai về một làng chài ven biển cách biển nửa ngày sống, lung linh sóng nước, óng ả nắng vàng. Chính cái hồn quê mà Tế Hanh gửi gắm ấy đã làm nên sức sống mạnh mẽ cho bài thơ trường tồn cùng năm tháng
  5. Đề 2: Phân tích nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao I. Mở bài: - Có những tác phẩm đọc xong, ta quên ngay khi vừa gấp trang sách lại, nhưng cũng có tác phẩm đọc xong ta bồi hồi, xao xuyến đến day dứt trong lòng. Tác phẩm “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao là một trong những câu chuyện như thế. Truyện được viết lên bởi cây bút tài hoa của Nam Cao, một nhà văn hiện thực xuất sắc nhất của nền văn học VN. Người luôn hướng ngòi bút của mình viết về những người nông dân nghèo khổ bị vùi dập trong xã hội cũ với một tấm lòng yêu thương, trân trọng. Nhân vật chính của tác phẩm - nhân vật lão Hạc - dù có một hoàn cảnh bất hạnh, đau đớn nhưng lão vẫn giữ được tình yêu thương đối với những người thân yêu và đặc biệt là một lòng tự trọng cao cả. Qua nhân vật này, nhà văn đã thể hiện tư tưởng nhân đạo tiến bộ và sâu sắc. II. Thân bài: 1. Tóm tắt vài nét về tác phẩm: - Truyện được nhà văn Nam Cao viết năm 1943, đó là những năm tháng đất nước ta đang chìm trong bóng đêm của ách đô hộ, cuộc sống của những người nông dân vô cùng cực khổ bất hạnh mà nhân vật lão Hạc chính là nhân vật điển hình cho số phận bất hạnh ấy. Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn lão ta vẫn thấy ánh lên những phẩm chất vô cùng cao quý. 2. Phân tích nhân vật lão Hạc a) Lão Hạc là người nông dân có số phận bất hạnh: Lão Hạc sống trong tuổi già cô đơn, nghèo khổ và chết trong đau đớn - Lão Hạc cũng như bao người nông dân Việt Nam khác phải đối mặt với cái nghèo, cái đói của cuộc sống cơ cực, tăm tối trước Cách mạng. Nhưng lão còn có những hoàn cảnh riêng vô cùng bất hạnh: + Vợ lão chết sớm. Con trai lão vì nghèo không lấy được người mình yêu nên phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su. + Lão chỉ có con Vàng là kỷ vật của con để làm bạn. Nhưng rồi cuộc sống quá khó khăn, lão phải dứt ruột bán đi con chó Vàng mà lão yêu thương nhất. => Từ đó, lão sống cuộc đời thật cô đơn, buồn tủi. - Không chỉ sống trong sự cô đơn với tuổi già ốm đau, bệnh tật mà lão Hạc luôn phải sống với cái nghèo, cái đói triền miên đến cuối cuộc đời: + Lão sống bằng nghề làm mướn, ai thuê gì làm nấy nhưng rồi tuổi cao, sức yếu, công việc cũng ngày một ít đi, lão cũng chẳng còn ai thuê mướn nên lão kiềm được gì ăn nấy. + Ban đầu là “luôn mấy hôm lão chỉ ăn khoai”, “khoai cũng hết, lão chế tạo được món gì, ăn món ấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy hay bữa trai, bữa ốc”. + Rồi đến mức chẳng còn gì để ăn, để sống, lão Hạc chỉ còn con đường tìm đến cái chết để giải thoát cho mình thoát khỏi . Và đó là một cái chết thật đau đớn, thật tủi nhục: chết “nhờ” ăn bả chó tự tử ! Cái chết của lão dữ dội vô cùng: lão sùi bọt mép, lão co giật phải hai người đàn ông lực lưỡng đè lên Cái chết ấy khiến người đọc liên tưởng đến cái chết của con chó Vàng để rồi rùng mình nhận ra rằng cái chết của lão đâu khác gì cái chết của cậu Vàng. Xót xa thay, thương cảm thay cho một kiếp người sống trong túng đói, dằn vặt, cô đơn, chết trong đau đớn vật vã. b) Lão Hạc là người nông dân có phẩm chất tốt đẹp , cao quý: Sống trong khổ đau bất hạnh, nhưng Lão Hạc vẫn sáng lên vẻ đẹp của nhân cách
  6. Lão Hạc Là người cha luôn thương yêu con vô bờ bến: - Lão luôn nhớ đến con của mình. Có lẽ hình ảnh đứa con lúc nào cũng hiện lên trong nỗi nhớ của lão: + Đang nói chuyện với ông giáo về việc bán con Vàng, lão cũng nhắc đến con" thằng bé nhà tôi dễ đến hơn một năm không có thư từ gì đấy ông giáo ạ" + Nói chuyện với con vàng, lão cũng nhắc đến con. + Lão trông mong từng ngày con trai trở về. + Lão cảm thấy ân hận, day dứt vì đã không cho con bán đi mảnh vườn để cưới vợ. - Nhớ con bao nhiêu, day dứt bao nhiêu, lão lại càng chắt chiu dành dụm cho con bấy nhiêu: + Có mảnh vườn vợ chồng lão dành dụm mãi mới mua được, lão luôn coi đó là của con. + Tiền thu được từ mảnh vườn, lão tích cóp để dành cho con để phụ với con khi con cưới vợ, hay thêm vào chút vốn để làm ăn. Có thể nói mỗi đồng tiền bòn được từ mảnh vườn thấm đượm mồ hôi, nước mắt và tình thương yêu của người cha với con. + Đến khi ốm đau không làm được, phải tiêu vào tiền của con, lão dằn vặt “bây giờ tiêu một xu cũng là tiêu vào tiền của cháu”. + Vì thế, dù yêu quý con chó: gọi nó là "cậu Vàng", cho nó ăn trong bát như chó của nhà giàu. Lão bắt rận, tắm rửa, ăn gì lão cũng gắp cho nó. Lão âu yếm trò chuyện coi nó như một đứa cháu. Không những thế, lão coi “ cậu vàng” như là người bạn thân để lão vơi bớt nỗi buồn, cô đơn trống trải. Hơn thế, con Vàng còn là kỉ vật của anh con trai. Lão nuôi con Vàng với nguồn hi vọng mai kia con trở về làm cỗ cưới vợ. Nhưng rồi khi cuộc sống quá khó khăn, lão đành bán đi con chó để giữ trọn mảnh vườn cho con. Khi kể chuyện bán chó cho ông giáo nghe, lão đau đớn đến không kìm được, bật "khóc hu hu" như con nít. + Không chỉ vậy, lão thương con đến độ chấp nhận cái đói, rồi cả cái chết chứ không chịu bán đi mảnh vườn của con. Nếu lão bán mảnh vườn, ắt lão sẽ đủ ăn tiêu để vượt qua thời khốn khó. Nhưng lão lại lo khi con trai về không có đất sinh sống làm ăn. Vậy là lão đã nhận lấy cái chết rồi nhờ ông giáo giữ đất cho con. Chao ôi! Tình yêu thương con của lão thật cảm động biết mấy! Lão Hạc là người nông dân sống lương thiện, giàu lòng tự trọng + Cả đời lão sống bằng đôi bàn tay lao động của mình. Khi còn khoẻ, lão làm thuê cuốc mướn. Khi ốm đau, không làm thuê được nữa thì lão kiếm con trai con ốc, củ khoai củ ráy chứ không chịu sự giúp đỡ ông giáo. “Lão từ chối tất cả những cái gì tôi cho lão. Lão từ chối một cách gần như là hách dịch”. Phải chăng lão hiểu rằng nhà ông giáo cũng nghèo, hiểu rằng bà giáo không thoải mái gì. Ông giáo tốt bụng thật, nhưng lão không thể lợi dụng lòng tốt của người khác, không thể để phiền luỵ đến người khác. Lão đã từng nói với ông giáo "Để phiền cho hàng xóm, chết không nắm mắt được". + Quen sống lượng thiện, lão khổ đau dằn vặt khi nghĩ rằng mình đánh lừa con chó:"thì ra tôi gìa bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa con chó". Ánh mắt con Vàng xoáy sâu vào lão nỗi oán trách giận hờn khiến lão thấy ân hận, xót xa. Xử sự không phải với con chó lão dằn vặt, day dứt đến vậy thì hẳn lão không thể làm điều ác với ai bao giờ. Lão sống hiền lành, chân chất, nhân hậu quá, đáng trân trọng biết bao! + Ngay đến cả đám ma của mình, lão cũng dành dụm gửi tiền lại nhờ ông giáo làm ma cho. + Một biểu hiện thật cao đẹp mà cũng thật chua xót của lòng tự trọng là lão thà chết để giữ trọn đạo làm cha, nhân cách làm người. không thể đi ăn trộm như Binh Tư, không thể phạm vào tiền của con.
  7. 3. Bàn luận: - Một nỗi nghẹn ngào trào dâng khi ta hiểu rằng: con người cô đơn bất hạnh ấy đã sống bằng một tình yêu thương sâu sắc, bằng nhân cách cao thượng và chết đi trong ý thức tự trọng vô cùng lớn lao. Cái chết của lão là câu trả lời cho ai đó chỉ thấy vẻ bề ngoài "gàn dở bần tiện" hay chỉ làm bộ đạo đức giả. Lão Hạc - người nông dân bình thường, nhỏ nhoi, nghèo đói, nhưng từ lão lại toả ra ánh sáng rạng ngời của nhân cách. Điều này thể hiện thái độ trân trọng và cái nhìn nhân đạo của Nam Cao đối với những người nghèo khổ. - Nam Cao đã khéo léo lồng vào trong tác phẩm một triết lí nhân sinh cao đẹp: Con người chỉ xứng đáng với danh nghĩa con người khi biết đồng cảm, chia sẻ và nâng niu những điều đáng thương, đáng quý ở người khác, đặc biệt là những con người nghèo khổ. - Qua nhân vật Lão Hạc, nhà văn phơi bày hiện thực về số phận của người nông dân trong XHPK đồng thời lên án gay gắt cái xã hội bất lương, vô nhân đạo ấy. 4. Phân tích nghệ thuật: - “Lão Hạc” là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách truyện ngắn Nam Cao trên các phương diện cơ bản như: + Nghệ thuật xây dựng nhân vật vừa cá thể hóa, vừa khái quát hóa, đạt đến mức điển hình trở thành hình ảnh tượng trưng cho những con người nghèo khổ trong xã hội lúc bấy giờ. + Truyện xây dựng theo cốt truyện tâm lí, đi sâu vào miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật. Xuyên suốt truyện, ta thấy từng suy tính, cân nhắc, lựa chọn của lão Hạc. + Văn phong giản dị, trong sáng mà tinh tế và hàm súc. III. Kết bài: - Nhà văn Nam Cao đã giúp chúng ta hiểu được nỗi khổ tâm, số phận bất hạnh vì nghèo đói cùng những vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng tám. Từ trang sách của Nam Cao, hình ảnh lão Hạc luôn nhắc nhở chúng ta phải biết nhìn mọi người xung quanh, đặc biệt là những người nghèo khổ bằng đôi mắt cảm thương và trân trọng thì ta mới thấy nét đẹp của họ.